Cách phân biệt cà phê thật và cafe bẩn độc hại bằng mắt thường
Nhiều vụ cà phê giả, cafe bẩn độc hại, phế phẩm cà phê trộn pin bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang. Dưới đây là 8 cách nhận biết cà phê thật và cafe giả độc hại bằng mắt thường.
#1. Khối lượng riêng của cà phê
Trọng lượng của cà phê rang xay nguyên chất luôn lớn hơn cà phê được làm từ các loại bột trộn cùng hóa chất. Hạt cà phê khi rang đến nhiệt độ nhất định sẽ nở lớn và thể tích tăng từ 1,5 - 2 lần và trọng lượng sẽ giảm 20 - 30%. Khối lượng riêng của cà phê nguyên chất giảm nên khi cầm trên tay hai gói cà phê cùng khối lượng, bạn sẽ thấy gói cà phê thật có thể tích lớn hơn, nhiều hơn, nhẹ hơn gói cà phê có pha tạp chất.
#2 Hương vị
Nếu là tín đồ của cà phê, không khó để bạn nhận ra mùi thơm rất dễ chịu, hấp dẫn và rất đặc trưng của bột cà phê thật. Nhiều người vẫn bị nhầm lẫn và đánh giá cao mùi của hương liệu hóa học được tẩm vào đậu, bắp bởi vì họ ít có dịp ngửi mùi cà phê bột nguyên chất. Bột đậu nành có mùi gắt, hòa quyện với hương liệu bốc lên một mùi thơm nặng chứ không dịu như mùi nguyên thủy của cà phê rang.
#3 Quan sát khi pha cà phê
Khi bạn cho nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bột mạnh, thậm chí tràn ra ngoài phin. Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20 - 25g) vào phin, chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin này có rất ít thành phần là cà phê.
#4 Màu sắc của nước cà phê khi pha
Cà phê là một loại hạt khá kì lạ, dù bạn rang nó đến nhiệt độ cao bao nhiêu, thời gian lâu bao nhiêu, và cháy gần thành than, rồi xay ra bột và pha thì màu nước của nó cũng không hề đen thui, đen đục và đen đậm. Thế nên, ly cà phê thật sẽ luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách - một màu nâu rất trong trẻo. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng.
#5 Độ sánh của nước cà phê
Nước của cà phê thật sẽ có độ sánh hầu như không đáng kể. Trái với cà phê độn tạp chất, nước của bắp và đậu rang vốn chứa nhiều tinh bột nên sẽ rất sánh, thậm chí sánh đến dẻo quẹo.
#6 Mức độ tơi xốp
Vì khối lượng riêng thấp nên bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời. Ngược lại, cà phê làm từ các loại ngũ cốc pha hương liệu sẽ không có độ tơi xốp, mềm mịn. Vì thế, bạn có thể phân biệt bằng cách đổ hai muỗng cà phê của hai loại vào hai chén nước. Bột cà phê nguyên chất sẽ nổi lên trên, còn bột ngũ cốc giả cà phê có khối lượng riêng lớn hơn nên sẽ chìm xuống nước nhanh hơn.
#7 Vị đắng của nước cà phê
Cà phê khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ cho nước cà phê có vị đắng thanh xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, rất tinh tế do yếu tố của các thành phần acid ẩn chứa sau của vị đắng trong hạt cà phê.
#8 Bọt của nước cà phê khi pha chế
Nước pha cà phê nguyên chất khi đánh lên với đường cũng tạo ra một ít bọt màu nâu sáng trông rất đẹp. Nếu bọt mỏng tanh, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả li và rất lâu tan, nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì chắc chắn đấy là bọt của hóa chất. Bọt cà phê nguyên chất khá đồng đều về kích cỡ, đục hơn và trông “dày” hơn, nhưng mau xẹp xuống.
Nguồn tin: vov.vn